08 cách dạy bé vẽ tranh khơi dậy sự sáng tạo và trí tưởng tượng

Home » Mẹo Học Hay » 08 cách dạy bé vẽ tranh khơi dậy sự sáng tạo và trí tưởng tượng

Dạy bé vẽ tranh là một hoạt động vô cùng bổ ích cho trẻ, giúp bé phát triển trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, rèn luyện kỹ năng vận động tinh và bộc lộ cảm xúc.

Để phát triển khả năng sáng tạo của bé, kienthuctieuhoc.com gửi tới cha mẹ 08 cách dạy bé vẽ tranh và gợi ý các chủ đề thú vị kích thích sự sáng tạo của con.

Lý do cha mẹ nên dạy bé vẽ tranh

08 cách dạy bé vẽ tranh khơi dậy sự sáng tạo và trí tưởng tượng

John Caldwell Holt, một nhà giáo dục Mỹ nổi tiếng, đã từng nêu quan điểm rằng để trẻ vẽ tranh trong một giờ có ích hơn nhiều so với xem các chương trình giải trí trong 9 giờ.

Dưới đây là 6 lợi ích cụ thể của việc dạy bé vẽ tranh:

Phát triển kỹ năng vận động

Vẽ tranh giúp cải thiện sự linh hoạt của các cơ tay, ngón tay và cả những cơ lớn hơn như ở cánh tay và vai, là nền tảng quan trọng cho sự học hỏi sau này.

Vẽ tranh giúp trẻ tập phối hợp giữa tay và mắt, đây là kỹ năng cần thiết cho các hoạt động như thể thao, viết, đọc và các kỹ năng sống khác như cài khuy áo hay buộc giày.

Khơi dậy sự sáng tạo

Sử dụng đa dạng các dụng cụ như bút chì, màu nước, giấy… trẻ em có thể tự do khám phá và thể hiện ý tưởng cá nhân.

Điều này không chỉ làm phong phú thêm trí tưởng tượng mà còn hữu ích cho các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và thậm chí là toán học.

Phát triển trí tuệ

Khi tham gia vào hoạt động tô màu hay vẽ, trẻ phải tập trung sử dụng các giác quan, điều này thúc đẩy quá trình “kết nối” não bộ và phát triển các kỹ năng nhận thức, góp phần vào sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Nâng cao kỹ năng lập kế hoạch

Trong quá trình vẽ, trẻ cần quyết định cách bố trí các hình ảnh và màu sắc một cách hợp lý, từ đó rèn luyện kỹ năng lập kế hoạch, một yếu tố quan trọng cho sự phát triển khi trưởng thành.

Tăng khả năng tập trung

Hoạt động vẽ tranh sẽ khiến trẻ tập trung hơn và trong thời gian dài hơn, nhất là khi chúng thực sự hứng thú với đối tượng mình đang vẽ.

Điều này giúp cải thiện khả năng chú ý và tập trung, có lợi cho việc học tập.

Ngoài ra dạy bé vẽ tranh từ sớm không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề mà còn cải thiện sức mạnh vận động tay, chuẩn bị cho kỹ năng viết.

Vẽ tranh cũng hỗ trợ trẻ trong việc hình thành các kỹ năng tiền toán học như nhận biết hình khối, tỉ lệ và kích thước.

Chia sẻ 08 cách dạy vẽ tranh chiến lược dạy vẽ cho bé

Chia sẻ 08 cách dạy vẽ tranh chiến lược dạy vẽ cho bé

Cha mẹ không nên kỳ vọng trẻ sẽ vẽ hoàn hảo ngay từ buổi đầu, trừ khi bé là thiên tài.

Thay vào đó ba mẹ nên hỗ trợ và khuyến khích con yêu thích nghệ thuật.

Sau đây là 09 cách dạy bé vẽ tranh giúp con tiến bộ nhanh hơn và hứng thú hơn với hội họa:

🎨 Bắt đầu từ cơ bản

Đầu tiên cha mẹ cần dạy các bé những hình dạng cơ bản và cách để vẽ chúng. Hãy vẽ mẫu cho bé xem và để bé làm theo.

Khi bé đã quen với những kiến thức cơ bản, các bậc phụ huynh có thể bắt đầu giới thiệu cách vẽ những bức tranh đơn giản như hoa, động vật đơn giản, hình người bằng các nét que,…

Trong những buổi học ban đầu này, cha mẹ cần ghi nhớ:

  • Hãy khích lệ trẻ sử dụng trí tưởng tượng của mình. Nếu bé gặp trở ngại, hãy đưa ra một số gợi ý để thúc đẩy sự sáng tạo của bé.
  • Có thể bé sẽ không vẽ đúng, vẽ xấu hoặc sai. Điều này là bình thường trong giai đoạn đầu học vẽ. Hãy nhẹ nhàng nói với bé rằng điều đó không sao cả.
  • Biến các hoạt động vẽ thành những trải nghiệm thú vị và vui vẻ để bé không cảm thấy chán nản hay mệt mỏi khi học vẽ.

🎨 Dùng tranh mẫu

Giống như các hoạt động tô màu hay luyện viết, trong giai đoạn đầu khi dạy bé vẽ, sử dụng các tranh mẫu rất hữu ích.

Bạn có thể tìm kiếm các hình ảnh trên Internet hoặc từ sách vẽ để làm mẫu cho bé.

Khi có một mẫu tranh để tham khảo, bé sẽ dễ dàng tưởng tượng và hiểu ra cách vẽ hơn.

Những bức tranh mẫu này cung cấp thông tin hình ảnh giúp bé xây dựng nền tảng cho những bức vẽ của mình.

Bạn cũng có thể nhấn mạnh rằng việc tham khảo các hình ảnh không có nghĩa là sao chép y hệt.

🎨 Sử dụng nhiều công cụ vẽ

Khi tiếp cận với bộ môn vẽ, không chỉ có bút chì, bạn có thể cho bé thử nghiệm với bút sáp, bút lông, bút chì màu, phấn, sơn và màu nước…

Sử dụng nhiều công cụ khác nhau không chỉ giúp bé khám phá màu sắc và chất liệu, mà còn làm tăng sự hứng thú và đam mê với nghệ thuật.

Khi bé làm quen với các công cụ này, hãy nhớ:

  • Khích lệ bé phát huy tối đa khả năng sáng tạo.
  • Để bé thoải mái bừa bộn khi sử dụng màu sắc.
  • Ngay cả khi bé làm bẩn quần áo hay tóc, điều đó cũng không thành vấn đề. Đây là cách để bé tự do khám phá mọi thứ.

🎨 Sáng tạo trên nhiều bề mặt khác nhau

Không chỉ giới hạn ở giấy, hãy khuyến khích bé thử vẽ trên nhiều loại chất liệu như carton, vải, bình hoa, quạt giấy, túi xách…

Điều này giúp bé có cơ hội khám phá và thử nghiệm với các loại vật liệu khác nhau.

Khi bé làm việc với nhiều chất liệu, cha mẹ có thể:

  • Khuyến khích sự sáng tạo của con: “Em muốn vẽ gì lên chiếc bình hoa này?”, “Chiếc túi vải này em nghĩ nên trang trí như thế nào?”…
  • Đưa ra gợi ý để giúp con phát triển sự sáng tạo: Nếu bé gặp khó khăn, bạn có thể đề xuất một số ý tưởng vẽ hoặc tài liệu tham khảo.

🎨 Kết hợp học vẽ với các trò chơi

Kết hợp học vẽ với các trò chơi

Sự kết hợp giữa học vẽ với các hoạt động vui chơi sẽ càng thêm thú vị. Bạn có thể:

  • Tổ chức cuộc thi xem ai vẽ nhanh nhất.
  • Tổ chức cuộc đua tìm kiếm và điền các chi tiết thiếu trong một bức tranh càng nhanh càng tốt.
  • Vẽ một bức tranh chỉ bằng những hình dạng cơ bản và sau đó tổ chức một cuộc thi xem ai có thể hoàn thiện bức tranh đó nhanh nhất bằng cách thêm các chi tiết.

Các cuộc thi này không chỉ làm cho việc vẽ thêm phần thú vị mà còn tạo động lực cho trẻ trong việc sáng tạo nghệ thuật, với những phần thưởng nhỏ dành cho người chiến thắng.

🎨 Biến việc học vẽ thành cuộc phiêu lưu nghệ thuật

Để tăng sự thích thú của bé với việc vẽ và khám phá thế giới xung quanh, bạn có thể biến nó thành một cuộc truy tìm nghệ thuật.

Cung cấp cho bé một danh sách các đối tượng để quan sát và vẽ, ví dụ như:

  • Một bông hoa: Khuyến khích bé vẽ chi tiết từng bộ phận như cánh hoa, thân cây và lá.
  • Một đám mây: Hỏi bé rằng nó có hình dạng và màu sắc như thế nào?
  • Một con chim: Bé nhận thấy màu sắc và các đặc điểm như đốm hoặc sọc trên chim ra sao?
  • Biển báo giao thông: Nó có những màu và hình dạng gì?

🎨 Sử dụng các ứng dụng dạy vẽ

Cho dù cha mẹ không giỏi vẽ, các ứng dụng dạy vẽ cho trẻ em có thể là một công cụ hỗ trợ tuyệt vời.

Cha mẹ có thể tham khảo một số ứng dụng dạy bé vẽ tranh như: Tux Paint, Kids Doodle – Color & Draw, Kids Painting (Lite),…

Đa số các ứng dụng này là miễn phí. Bạn chỉ cần chuẩn bị cho bé một chiếc iPad, máy tính bảng, hoặc laptop.

Tuy nhiên hãy giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị này để tránh ảnh hưởng xấu đến thị lực của trẻ.

🎨 Tặng bé một quyển sketchbook

Khi bé đã bắt đầu vẽ và sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật của mình, một quyển sketchbook là một món quà ý nghĩa để bé ghi lại các ý tưởng sáng tạo.

Sử dụng sketchbook giúp bé thực hành và phát triển các kỹ năng đã học, đồng thời theo dõi sự tiến bộ theo thời gian.

Bạn có thể tìm mua sổ phác thảo tại các hiệu sách hoặc cửa hàng bán đồ dùng nghệ thuật, với nhiều kích thước và kiểu dáng để bé có thể chọn lựa quyển mà mình yêu thích.

Gợi ý chủ đề dạy vẽ cho bé

Khi dạy bé vẽ tranh, cha mẹ nên chọn các chủ đề phù hợp, gần gũi với bé. Dưới đây là các chủ đề đơn giản và thân thuộc để bắt đầu:

  • Vẽ động vật và vật thể đơn giản: Con cá, con thỏ, bông hoa, cái ô.
  • Vẽ phong cảnh: Ngôi nhà và vườn, cảnh bình minh trên biển, làng quê, dòng sông.
  • Vẽ người: Bắt đầu với hình người đơn giản, sau đó thêm chi tiết như tóc, quần áo.
  • Vẽ tranh gia đình: Vẽ cảnh gia đình từ ảnh chụp, thể hiện các hoạt động gia đình.
  • Vẽ bảo vệ môi trường: Tranh về hoạt động nhặt rác, trồng cây, sử dụng thùng rác đúng cách.
  • Vẽ an toàn giao thông: Trẻ vẽ cảnh đội mũ bảo hiểm, sang đường an toàn, các biển báo giao thông.

Lời kết

Dạy bé vẽ tranh không quá khó, nhưng quan trọng là bạn cần áp dụng đúng phương pháp để khuyến khích khả năng nghệ thuật của trẻ.

Hãy là người hỗ trợ và đồng hành cùng con, giúp con có thể tạo ra những tác phẩm đầy sáng tạo và ý nghĩa.

Tác giả:

Là một nhà giáo trẻ đầy năng lượng và sáng tạo, tôi tự tin với khả năng truyền đạt kiến thức sinh động, hấp dẫn giúp các em học sinh luôn thấy hứng thú với việc học. Tôi thường xuyên tham gia xây dựng các bài học tương tác, các trò chơi giáo dục nhằm giúp các em học sinh củng cố kiến thức một cách hiệu quả.

Bài viết liên quan

Kienthuctieuhoc.com hướng dẫn chi tiết từng câu hỏi trong Bài 10: Quả hồng của thỏ con – Tiếng Việt Lớp 3 Tập 2 Kết Nối Tri Thức giúp các bạn…

22/11/2024

Kienthuctieuhoc.com hướng dẫn chi tiết từng câu hỏi trong Bài 9: Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục – Tiếng Việt Lớp 3 Tập 2 Kết Nối Tri Thức…

22/11/2024

Khám phá Bài 17: Thực hành và trải nghiệm các đơn vị đo đại lượng cơ bản như mét, kilôgam, lít. Bài học thú vị giúp trẻ nắm vững kiến thức qua thực tế!

21/11/2024