Nội dung chính Bài 11: Tập làm văn – Tiếng Việt Lớp 4 Tập 1 Kết Nối Tri Thức: Đoạn văn nói về câu chuyện viết bài văn tả cây hoa của nhân vật tôi. Nhân vật tôi đã có cơ hội về quê để quan sát chi tiết các bộ phận của cây hoa hồng, nhờ đó cậu ấy đã viết được một bài văn rất hay.
1. Đọc
Câu 1: Trao đổi với bạn: Khi muốn miêu tả một sự vật, làm thế nào để tả đúng đặc điểm của sự vật đó?
Gợi ý trả lời:
Các cách để tả đúng đặc điểm của sự vật:
- Tìm hiểu các thông tin về sự vật đó trước (thông qua sách báo, phim ảnh…).
- Dùng tay để sờ, mắt để quan sát kĩ từng bộ phận, màu sắc, đặc điểm bên ngoài của sự vật.
- Dùng khứu giác và vị giác (nếu được) để cảm nhận rõ những đặc điểm về hương vị của sự vật.
Câu 2: Đọc
Từ ngữ:
– Xào xạc: từ mô phỏng tiếng như tiếng lá cây lay động va chạm nhẹ vào nhau.
– Lã chã (nước mắt, mồ hôi): nhỏ xuống thành giọt, nối tiếp nhau không dứt.
❓ Trả lời câu hỏi
Câu 1: Mục đích về quê của bạn nhỏ là gì?
Gợi ý trả lời:
Mục đích về quê của bạn nhỏ là tìm được nhiều ý cho bài văn “Tả cây hoa nhà em”.
Câu 2: Khi ở quê, bạn nhỏ đã làm gì để tả được cây hoa theo yêu cầu?
Gợi ý trả lời:
Để tả được cây hoa theo yêu cầu, bạn nhỏ đã:
- Hôm sau, trời còn mù sương, đã có mặt ngoài vườn.
- Chẳng may đánh rơi cuốn vở dưới gốc cây hồng, cúi xuống nhặt vở thì tay tôi bị gai cào một vết phát hiện hóa ra cây hoa hồng còn có gai.
- Vào bếp lấy cái bình, múc nước rồi hăm hở bước theo ý văn của mình và té cái “oạch” trước khi viết đoạn kết.
Câu 3: Những câu văn nào là kết quả của sự quan sát kết hợp với trí tưởng tượng phong phú của bạn nhỏ?
Gợi ý trả lời:
Những câu văn đó là:
– Thân cây hoa to bằng ngón tay cái.
– Cành hoa nhỏ như ngón tay út xòe ra nhiều lá hình trái tim viền răng cưa.
– Sương như những hòn bi ve tí xíu tụt từ lá xanh xuống bông đỏ, đi tìm mùi thơm ngào ngạt núp đâu giữa những cánh hoa…
– Hồng không phải mít mà cũng có gai.
– Gai hồng không nhể được ốc luộc như gai bưởi.
– Gai hồng giữ cho bông hồng thả sức đẹp.
– Từ tay tôi, cái bình tưới như chú voi con dễ thương đung đưa vòi, rắc lên cây hoa hồng một cơn mưa rào nhỏ.
Câu 4: Em thích câu văn nào nhất trong bài văn của bạn nhỏ? Theo em, bài văn của bạn nên viết thêm những ý nào?
Gợi ý trả lời:
– Em thích câu văn “Sương như những hòn bi ve tí cíu tụt từ lá xanh xuống bông đỏ, đi tìm mùi thơm ngào ngạt núp đâu giữa những cánh hoa…”.
– Theo em, bạn nên bổ sung những câu văn miêu tả về bông hoa có màu sắc và hình dạng, cấu tạo như thế nào.
Câu 5: Em học được điều gì về cách viết văn miêu tả sau khi đọc câu chuyện trên?
Gợi ý trả lời:
Khi làm bài văn miêu tả, nên quan sát thực tế và kết hợp với trí tưởng tượng để có bài văn miêu tả hay, chân thực và sinh động
2. Luyện từ và câu
LUYỆN TẬP VỀ ĐỘNG TỪ
Câu 1: Tìm động từ trong ngoặc đơn thay cho bông hoa trong mỗi đoạn văn dưới đây:
Gợi ý trả lời:
a)
Rừng núi còn chìm đắm trong màn đêm. Bỗng một con gà trống vỗ cánh phành phạch và cất tiếng gáy lanh lảnh ở đầu bản. Mấy con gà rừng trên núi cũng thức dậy gáy te te. Trên mấy cây cao cạnh nhà, ve đua nhau kêu ra rả. Ngoài suối, tiếng chim cuốc vọng vào đều đều… Bản làng đã thức giấc.
b)
Buổi trưa, nương rẫy im vắng. Mặt trời đứng thẳng trên đỉnh đầu. Không một con chim hót, không một con thú kêu. Đàn khướu làm tổ trong bụi nứa vừa hót véo von, giờ đã im bặt. Buổi trưa dần qua. Trời bớt oi ả. Gió rừng lại nổi. Bầy khướu nhảy lách tách trên cành tìm sâu. Tiếng lá xào xạc trong gió.
Câu 2: Nhìn tranh, tìm động từ phù hợp với hoạt động được thể hiện trong tranh.
Gợi ý trả lời:
Động từ phù hợp với hoạt động được thể hiện trong tranh:
- Tranh 1: leo núi
- Tranh 2: cắm trại
- Tranh 3: câu cá
- Tranh 4: bay, bắt sâu
- Tranh 5: lặn
Câu 3: Đặt câu với các động từ chỉ hoạt động di chuyển tìm được ở bài tập 2.
Gợi ý trả lời:
– Thứ hai, cả nhà Linh sẽ đi leo núi để nâng cao sức khỏe.
– Tuần sau, Nam và các bạn sẽ tham gia hội thi cắm trại.
– Ngọc Anh rất thích đi câu cá.
– Bức ảnh này chụp được chú chim bồ câu đang bắt sâu.
– Em ước mơ trở thành một thợ lặn chuyên nghiệp.
– Anh thanh niên đang leo núi trên kia là anh trai của em.
– Thầy giáo dựng lều cho chúng em quan sát và thực hành theo.
– Bỗng bác ấy đứng bật dậy, giật mạnh cần câu cá lên.
– Chim chích bông sà xuống bắt sâu ở trên lá rồi bay vụt lên cao.
– Khách du lịch lặn xuống nước rồi bắt đầu bơi theo hướng dẫn.
3. Viết
Câu 1: Dựa vào dàn ý đã lập trong hoạt động Viết ở Bài 10, viết bài văn theo yêu cầu của đề bài.
Gợi ý trả lời:
Kì nghỉ hè năm nay, em đã có một trải nghiệm bổ ích cùng với các anh chị trong đoàn thanh niên. Đó là một chuyến tình nguyện dọn dẹp bờ biển. Điểm đến của chuyến đi chính là bãi biển Cửa Lò xinh đẹp.
Chuyến xe khởi hành từ sáng sớm. Đến nơi, mọi người đều đã mệt nên quyết định đến khách sạn nhận phòng. Sau khi thu dọn đồ đạc sẽ cùng nhau đi ăn uống rồi nghỉ ngơi. Buổi chiều tất cả sẽ cùng nhau di chuyển đến địa điểm thực hiện hoạt động.
Chúng em phân thành các nhóm với từng công việc cụ thể. Một nhóm được giao cho công việc nhặt rác ở trên bờ biển. Một nhóm phụ trách ra xa hơn để thu nhặt rác trên mặt nước, đặc biệt là các đồ nhựa. Em được giao nhiệm vụ nhặt rác trên bờ biển cùng với 9 bạn nữa. Đầu tiên, bọn em nhặt rác trên bãi cỏ gần bờ biển. Rác ở đây chủ yếu là cành cây, lá cây và một số vỏ bánh kẹo…. Sau đó, di chuyển đến bãi cát trắng. Ở đây có nhiều cành cây khô và các loại xác sinh vật biển. Cuối cùng là nhặt chai nước, lọ thủy tinh,….trôi nổi trên mặt nước gần bờ. Dù nắng nóng vất vả nhưng ai cũng rất vui vẻ vì được góp sức mình giúp bờ biển sạch đẹp hơn. Sau nhiều tiếng lao động chăm chỉ, cuối cùng bờ biển cũng trở nên sạch sẽ. Không chỉ vậy, chúng em còn quen được những người bạn mới. Họ nói rằng cảm thấy rất hạnh phúc khi vẫn còn nhiều người tốt như chúng em – những người có ý thức bảo vệ môi trường xung quanh bãi biển.
Chuyến đi này là một trải nghiệm đẹp với em. Nhờ có sự nhiệt tình của mọi người, bãi biển đã trở nên rất sạch đẹp. Em mong rằng sẽ có thêm nhiều hơn những chuyến đi thú vị và bổ ích như vậy.
Câu 2: Đọc soát và chỉnh sửa bài viết.
a) Đọc lại bài làm của em để phát hiện lỗi.
b) Sửa lỗi trong bài làm (nếu có).
Câu 3: Nghe thầy cô nhận xét bài làm và chỉnh sửa bài.
Em lắng nghe thầy cô nhận xét bài làm và chỉnh sửa bài.
* Vận dụng
Viết vào vở hoặc sổ tay các từ ngữ chỉ những việc em làm trong ngày. Đánh dấu vào các động từ.
M: đọc truyện
Gợi ý trả lời:
Học sinh tham khảo các từ sau: viết bài, làm toán, đi bộ, tưới cây, tập thể dục, gấp áo quần, tập hát, xem phim, ăn cơm, uống nước, đi học, tưới cây, nấu cơm,…